Làm nông nghiệp hữu cơ tại Mỹ - Organic Farming - 2 - Seeds - Hạt giống

Làm nông nghiệp hữu cơ tại Mỹ - Organic Farming - 2 - Seeds - Hạt giống

Làm nông nghiệp hữu cơ tại Mỹ - hạt giống. Hạt giống tuy đơn giản nhưng nếu không phân loại rõ ràng, rất dễ nhầm lẫn. Bài viết này rất có ích cho những người còn mới. Tạm thời mình chia hạt ra làm 3 loại hạt: open-pollinated, hybrid, và GMO (gene modified organism).

Dựa vào quá trình xử lý hạt, hạt còn được chia ra làm 3 loại khác, mình sẽ giải thích thêm ở bên dưới. Sau note này, mọi người sẽ có chút kinh nghiệm và bớt gặp rắc rối khi mua hạt tại những trang web ở nước ngoài.

 

1- Thụ phấn tự do (Open-pollinated)

Là loại giống nếu được trồng cách ly không bị nhiễu khi thụ phấn sẽ thu được hạt mang đầy đủ tính trạng của cây bố mẹ. Những giống cây thuộc loại này có thể tự sinh sản hạt bằng thụ phấn chéo giữa những hoa đực và hoa cái (ví dụ như các giống dưa leo, bí) hoặc tự thụ phấn ở những cây có hoa lưỡng tính (ví dụ như các giống cà chua, ớt). Các loại rau củ quả như củ dền, bắp cải, củ cải, cà rốt, bắp, bí, dưa leo thụ phấn chéo nên phải được trồng cách ly để thu hạt thuần chủng. Trong khi đó, các loại như đậu, cải xà lách, cà chua, ớt thì thường không cần cách ly vì hoa lưỡng tính nên độ bị nhiễu trong quá trình thụ phấn rất ít.

Chắc hẳn mọi người đã từng nghe qua hạt giống heirloom, đặc biệt là cà chua heirloom. Hạt giống heirloom cũng thuộc vào nhóm open-pollinated này. Điểm khác biệt là giống heirloom đã có từ rất lâu và được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tất cả giống heirloom đều là open-pollinated, nhưng nhiều giống open-pollinated không phải là giống heirloom. Vì heirloom thường là những giống có tuổi thọ khoảng 50 60 năm, có giống lâu nhất có từ những năm 1900. Ở Mỹ các loại cà chua heirloom thường được bán ở chợ trời, chỉ hè mới có. Do thời gian này các nhà vườn đem ra giao lưu với nhau, các công ty lớn hầu như không trồng các loại giống heirloom vì cần nhiều chăm sóc, khó bảo quản và khó vận chuyển. Cà chua heirloom được cho là nhiều dinh dưỡng hơn, hương vị thơm ngon hơn.

Để nhận biết thành phẩm của các giống open-pollinated hay heirloom, mình lấy ví dụ cà chua nhé, mọi người để ý xem nếu 1 rổ cà chua, mà trái không đồng đều, trái to trái nhỏ, có lúc hình dáng gồ ghề khác nhau. Mặc dù khác nhau về hình thể như thế, nhưng hương vị, điều quan trọng nhất, vẫn giống nhau. Lí do khác nhau là vì ngoài những tính trạng chung, các hạt này còn chứa tính trạng riêng, và tạo nên những sự khác biệt đó. Lưu ý khi trồng cà chua heirloom, khi phát hiện cây nào mà khác xa các cây còn lại thì nên nhổ bỏ đi, vì những giống này có thể giữ hạt để xài vào các mùa vụ sau, nên khi nhổ bỏ cây lạc loài sẽ đảm bảo độ sạch của hạt giống thu được.

Vì trên thị trường có sự tồn tại nhiều hơn 1 loại hạt, cho nên mỗi loại hạt đều có cái lợi riêng của nó. Nhiều người chỉ thích hạt open-pollinated hay heirloom vì họ thích hương vị đặc biệt của những giống này, những hương vị tự nhiên nhất. Thứ đến là họ có thể giữ hạt lại để gieo trồng vào các mùa vụ sau mà không phải mua hạt, và dĩ nhiên là tiết kiệm được 1 khoảng tiền cho việc mua hạt giống. Ngoài ra, hạt giống heirloom và OP còn là nguồn nguyên liệu để tạo giống hybrid.

 

2- Hỗn hợp (Hybrid)

Là loại hạt giống được lai tạo theo chủ đích của con người qua một số lần lai giống và chọn lọc. Ngắn ngọn giống hybrid thường được lai để tận dụng sự kết hợp ưu thế giữa tính trạng của 2 giống cùng loài. Ví dụ như có 2 loại cà chua, 1 loại cho trái nhiều, 1 loại kháng được bệnh xoăn lá. Nếu như kết hợp được 2 tính trạng này lại thì ta có được 1 giống cà chua vừa đạt năng suất cao, vừa khoẻ vì kháng được bệnh. Nói thì đơn giản nhưng để tạo được một giống hybrid thường mất vài năm, vừa lâu vừa khó ở việc xác định được tính trạng, lai và giữ được tính trạng đó. Hai tính trạng thường được lấy ra để tạo giống hybrid đó là cho nhiều trái và kháng bệnh khoẻ. Giống hybrid được lai từ 2 đời bố mẹ thuần chủng, bố mẹ phải thuần chủng để đảm bảo phép lai được lập đi lập lại nhiều lần cho đến khi đạt được giống mới như ý muốn. Khi lai chưa chắc là 100% đạt được đời F1 như ý, còn phải qua quá trình chọn lọc rất khắt khe. Vì sự tương quan giữa gen và tính trạng rất phức tạp, nên giống hybrid thường rất khó giữ được hạt. Khi giữ hạt lại thì đời sau F2, F3 sẽ bị phân ly, không giữ được những tính trạng tốt của thế hệ F1, đó là lí do tại sao không thể giữ lại hạt hybrid cho những mùa vụ sau.

Để nhận biết giống hybrid, ở trên bao bì thường có ghi ký hiệu F1. Ngoài ra để nhận biết thành phẩm của giống hybrid, lại ví dụ cà chua, mọi người để ý xem nếu người ta bày bán, 100 trái giống y hệt nhau, thì khả năng giống đó là hybrid. Lí do là vì hạt hybrid hầu hết mang tính trạng y như nhau, vì chúng đc tạo từ 2 bố mẹ thuần chủng, thành ra trái của chúng na ná nhau. Ở Mỹ hàng năm họ có cuộc thi AAS, khuyến khích các nhà vườn, công ty lai tạo ra nhiều giống mới chất lượng và sản lượng tốt hơn. Các công ty hạt giống đem theo giống mà họ đã lai được đến tham dự. Mỗi công ty đều có một vài loại giống nổi tiếng riêng mà khi nhắc đến loại giống thì nghĩ ngay đến công ty đó.

Hạt hybrid tốn nhiều thời gian nghiên cứu và chọn lọc trước khi đưa ra thị trường, nên giá thành rất cao. Tuy nhiên, tiền nào của đó, những giống hybrid thường có lợi ích như sau: kháng bệnh khoẻ, tính đồng nhất cao, cây phát triển khoẻ hơn và sản lượng cao hơn.

 

3- GMO

GMO trong mấy năm đổ lại được nhắc đến rất nhiều và nhiều người rất hoang mang và lo sợ khi người ta nói đến giống này. Có 1 điều mọi người hay nhầm lẫn giữa giống hybrid và GMO. Giống hybrid hoàn toàn được lai bằng các phương pháp tự nhiên, cho nên nhiều khi thấy giống lạ có thể đó là giống hybrid. Giống GMO thường được tạo ra trong những phòng thí nghiệm, không phải bằng các phương pháp lai. Vì khoa học kĩ thuật bây giờ rất hiện đại, họ có thể scan và screen toàn bộ bộ gen của 1 loài thực vật (kể cả con người) dưới dạng các đoạn mã của 4 ký tự, nếu mọi người còn nhớ đó là A T C G. Khi đã có 1 bộ gen, hoàn toàn không khó cho họ để xác định kiểu hình, hoặc tính trạng của đoạn gen nào đó, và ngược lại, xác định đoạn gen của 1 tính trạng nào đó (forward và reverse genetic). Bước kế tiếp họ sẽ thay đổi đoạn gen để thay đổi kiểu hình của tính trạng đó. Ví dụ như ở cây bắp, người ta chỉnh lại đoạn gen của cây bắp giống như đoạn gen của khuẩn BT (Bacillus thuringiensis). Lúc này, người ta sẽ không cần phun xịt BT lên cây bắp nữa. Tuy nhiên, khi sâu đục thân ăn thân cây bắp thì nó sẽ chết, vì đối với bọn sâu, thân cây bắp là chất độc. Khuẩn BT hoạt động như thế này, theo 2 cơ chế khác nhau, phần lớn là khi sâu ăn phải lá có BT vào bụng, BT bắt đầu tấn công hệ thống tiêu hoá và tiêu diệt sâu, cơ chế thứ 2 là BT tấn công sâu từ bên ngoài, nhưng ít hiệu quả hơn khi BT bên trong bụng sâu. Các giống GMO thường là các giống cây lương thực, vì các loài cây này có vai trò lớn trong kinh tế của một quốc gia, và thường trồng với số lượng rất nhiều. Ở bên Mỹ giống GMO không được đóng gói bán đại trà cho người dân, vẫn có công ty bán, nhưng thường được bán với số lượng lớn vì khách hàng thường là các trang trại lớn, và việc mua bán cũng khó khăn hơn.

Nhiều nước trên thế giới đang cố không sử dụng giống GMO bởi vì đó là giống được tạo ra bằng phương pháp không tự nhiên. Các nhà khoa học, bác sĩ cho rằng vị sự biến đổi gen đột ngột ở các loài cây cối tăng cao khả năng gây ung thư cho con người sau khi ăn chúng. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định được điều đó. Nói về ung thư thì có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân gen bị biến đổi (gene mutation) được cho là cao nhất. Sự biến đổi gen khác nhau ở mỗi người, phần lớn là do thuốc lá, virus, phóng xạ, hay thói quen ăn uống. Sự biến đổi gen ở trong mỗi người đều có, nhưng tần số thấp, và cơ thể cũng có khả năng để sửa những biến đổi nhỏ. Tuỳ vào hoàn cảnh khác nhau, sự biến đổi có thể có lợi, có hại, hoặc không lợi, không hại. Đại khái là như vậy thôi, vì đến nay vấn đề này cũng chưa rõ ràng, và hiểu biết của mình cũng có hạn.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------

Như từ đầu mình có nói, theo khía cạnh khác hạt còn có thể phân biệt thành 3 loại, cái này chỉ là phụ thôi, cũng không quá quan trọng nhưng cũng nên biết về nó. Thông thường khi mua hạt thì mọi người cũng sẽ thấy những phân loại này.

Hạt Untreated, Treated, và Pelleted.

Nôm na là hạt đã qua xử lý và chưa qua xử lý. Thường khi mua hạt nếu họ không ghi gì thêm nghĩa là hạt chưa qua xử lý. Mặt khác, nhà sản xuất thường xử lý hạt bằng cách bao 1 lớp áo bên ngoài giúp tránh côn trùng ăn hạt hoặc các bệnh ảnh hưởng đến hạt. Ngoài ra họ cũng có thể bao 1 lớp vi khuẩn có lợi bên ngoài hạt để ngăn sự phân rã khi gieo hạt, giúp đảm bảo tỉ lệ nảy mầm. Lưu ý là hạt chưa qua xử lý bảo quản được lâu hơn nhé, chỉ nên mua hạt đã qua xử lý nếu như trồng hết một lần, vì để lâu không được. Pelleted cũng gần giống với hạt treated là được bao bởi một lớp chất nào đó, nhưng ý đồ của pelleted hơi khác. Hạt Pelleted thường được bao bởi 1 lớp đất sét (thường thấy nhất ở hạt cà rốt, nhiều trang bán hạt có minigame đoán hạt pelleted, bố ai mà đoán trúng được, tuy nhiên hạt cà rốt thường được bao bởi 1 lớp đất sét màu trắng tròn, lưu ý là không phải 100% hạt như vậy là hạt cà rốt nhé). Mục đích chính là tạo sự đồng đều cho hạt nên khi sử dụng các máy gieo hạt thì tỉ lệ, và khoảng cách gieo hạt sẽ cải thiện rõ rệt. Nhờ vậy mà hạt được sử dụng 1 cách hiệu quả hơn, tránh tiêu hao. Ngoài ra, hạt pelleted dễ bốc (nhặt) hơn, giúp quá trình gieo hạt dễ và nhanh hơn.

Bài này kết thúc ở đây, cám ơn mọi người đã đọc. Có gì mọi người comment thảo luận nhé. Mình hơi bị khuyến khích mọi người tương tác.

 

Nguồn fb: Organic Farming - 2 - Seeds

Đang xem: Làm nông nghiệp hữu cơ tại Mỹ - Organic Farming - 2 - Seeds - Hạt giống

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng